Thứ Năm, 18 tháng 6, 2015

Chọn giá đỗ thế nào cho ngon, an toàn?

Giá đỗ là loại thực phẩm không chỉ bổ dưỡng mà còn thanh nhiệt rất tốt. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, để tăng năng xuất và kích thích người mua, nhiều nhà sản xuất đã không ngần ngại sử dụng hóa chất từ khâu đầu đến khâu cuối. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Giá đỗ tẩm hóa chất mới đẹp và hút khách

Hiên nay, giá đỗ được bán trên thị trường chủ yếu thường có thân rất mập, trắng, không có rễ và rất đẹp mắt. Tuy nhiên, để có những cọng giá đỗ đẹp mắt như vậy, một số người chuyên sản xuất giá thường sử dụng một loại hóa chất tưới để thúc giá đỗ lớn nhanh, mập mạp mà không hề có rễ dài. Sử dụng hóa chất này, mỗi ngày đầu lậu có thể sản xuất ra nửa tấn giá đỗ.
Chia sẻ với báo Người lao động, anh T. một người có kinh nghiệm làm giá đỗ khoảng bốn năm tại xã Thới Tam Thôn (huyện Hóc Môn, TP HCM) cho biết sở dĩ người làm giá phải tẩm hóa chất vào, một phần là do tiểu thương, những người đi lấy hàng bỏ mối bán cho chợ và các quán ăn, chỉ chuộng loại giá nhìn mập mạp, trắng bóng và không có rễ. Còn những cọng giá thân dài, rễ tua tủa rất khó bán.

Cũng là một người làm giá đỗ và có cách làm tương tự, chị H. ở xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn, hàng ngày sản xuất và cung cấp rau giá cho các chợ và quán ăn ở địa phương, khu vực quận 12 cho biết gia đình chị sử dụng loại thuốc cắt rễ, kìm hãm sự phát triển chiều dài, tăng độ mập của thân giá, chứ không sử dụng loại thuốc tăng trưởng.

“Nếu không sử dụng thuốc cắt rễ thì không thể bán được vì giá mọc rễ nhiều, thân dài ngoằng, nhìn không đẹp” - chị H. cho biết.

Điều đáng nói là cả hai cơ sở sản xuất giá này đều không biết loại hóa chất mình đang sử dụng là gì, độc hại ra sao. Họ chỉ biết đó là tuýp hóa chất nhựa có màu trong suốt, không nhãn mác, được mua tại cửa hàng bán nguyên liệu và dụng cụ làm giá.

Càng đẹp càng nhiều nguy hiểm

Thực ra, loại hóa chất “thúc” giá đỗ lớn nhanh là một loại hóa chất mà giới chuyên môn cảnh báo đó là một loại hoóc môn thực vật, sử dụng bừa bãi có hại cho người tiêu dùng. Loại thuốc này đã xuất hiện vài năm gần đây tại nhiều tỉnh thành ở Việt Nam, được các đầu nậu sử dụng phổ biến để kích thích giá đỗ phát triển nhanh.

Chia sẻ trên báo Chất lượng Việt Nam, PGS-TS Phan Thị Sửu, Giám đốc Trung tâm kỹ thuật an toàn thực phẩm (Hội KHKT an toàn thực phẩm Việt Nam) khẳng định rằng, loại hóa chất “thúc” giá đỗ lớn nhanh không nằm trong danh mục thuốc BVTV (bảo vệ thực vật) được phép lưu hành tại Việt Nam.

Các chuyên gia an toàn thực phẩm lo ngại, việc sử dụng hóa chất với thời gian ngắn để kích thích tăng trưởng cho giá đỗ, các chất có hại vẫn còn và sẽ thâm nhập vào cơ thể gây ảnh hưởng sức khỏe cho người tiêu dùng.

Theo bà Sửu, các hợp chất của thuốc BVTV này có chứa nguyên tố Clo (như monito, DDT, 2,4 D...) đã bị cấm sử dụng do chứa hàm lượng độc tố cao, bền vững trong môi trường (có những loại hợp chất phải trên 15 năm mới bị phân huỷ hết trong điều kiện tự nhiên). Khi phun cho rau quả chúng sẽ tạo thành hợp chất Perexit rất độc hại cho người sử dụng vì nó không có mùi, không vị nên rất khó phát hiện.

Ngoài ra các hợp chất của thuốc BVTV này còn chứa phospho (hợp chất lân hữu cơ) rất độc hại với hệ thần kinh và cơ quan nội tạng của động vật và con người. Khi người tiêu dùng ăn phải các loại rau có chứa các hoá chất độc hại này thì cơ thể không có khả năng đào thải ra ngoài qua đường tiêu hoá mà các hoá chất này sẽ được tích luỹ dần trong các mô mỡ, gan và tuỷ sống… gây lên nhiều bệnh tật nguy hiểm trên con người như đãng trí, giảm thị lực và sức đề kháng...

Cách phân biệt giá có chứa hóa chất

Giá đỗ khi ủ theo cách thông thường bằng cách ngâm nước: Giá sẽ chặt hơn, rễ dài như sợi chỉ, không bóng, không to, không mập, có rễ, thân, lá mầm. Cọng giá này khi bấm vào thấy độ giòn của giá, khi xào không ra nước, và khi ăn có vị thơm của đậu.

Giá dùng thuốc kích thích độc hại: Cọng giá ngắn, thân mập, đặc biệt là không có rễ hoặc có rễ nhưng rất ngắn chứ rễ không dài như sợi chỉ giống giá đỗ tự nhiên. Hạt mầm thường nhỏ, thậm chí không có hạt mầm bám trên thân giá. Khi xào nấu, giá ra nước nhiều, và khi ăn thường không có mùi thơm của đậu.

Theo Mạc Nhiên (Đời sống & Pháp luật)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét