Với đa phần người Việt, bàn thờ chính là nơi thu nhỏ của thế giới tâm linh. Về một khía cạnh nào đó nó như một nhịp cầu kết nối Âm – Dương, thể hiện lòng thành kính giữa con cháu với ông bà tổ tiên.
Vì những lẽ ấy mà trong phong thủy của một ngôi nhà không gian thờ cúng luôn được coi trọng như một quy định bất thành văn.
Nhất vị nhị hướng
Bàn thờ cũng tuân theo nguyên tắc phong thủy nhất định giống như các không gian quan trọng khác trong nhà là “nhất vị nhị hướng”. Với một không gian mang tính chất tâm linh như ban thờ thì lại càng cần thiết phải hội đủ cả hai yếu tố là “tọa cát” và “hướng cát” (đặt tại vị trí đẹp trang trọng, phía hướng trước mặt bàn thờ sao cho đón được năng lượng tốt lành và tránh luồng năng lượng xấu)
Trong thiết kế hiện đại, việc bố trí bàn thờ có vẻ đơn giản hơn tùy thuộc vào điều kiện sống của gia chủ. Thế nhưng gia chủ cũng nên lưu ý những điều kiêng kị để tránh ảnh hưởng xấu tới phong thuỷ. Ví dụ, bàn thờ tối kị xú uế nên không được nhìn thẳng hay đặt phía dưới WC, bàn thờ cũng không được dựa lưng vào WC hay bếp đun.
Nếu nhà rộng thì nên bố trí ban thờ ở một phòng riêng, gọi là phòng thờ để tạo không gian “nghi tĩnh bất nghi động” tức là sự yên tĩnh, không ồn ào. Phòng thờ đặt tầng trên cùng là tốt nhất, phía trên bàn thờ là nóc nhà và bầu trời, không có các phòng ốc khác đè lên, phía trước bàn thờ là các gian trang trọng, phía sau là cầu thang và không gian phụ như sân phơi, kho.
Trường hợp không có phòng riêng thì có thể bố trí trong phòng sinh hoạt chung hoặc phòng khách, không nên bố trí ở phòng ngủ hay phòng bếp, phòng ăn. Khi bố trí bàn thờ không được gần các nút giao thông trong nhà, không được đặt dưới gầm cầu thang hay áp sát vào gầm cầu thang. Bàn thờ cũng không được tọa ở cửa sổ hay phía trên cửa sổ (tức là sau lưng bàn thờ không được bố trí cửa sổ hoặc dưới gầm bàn thờ không được bố trí cửa sổ, cửa ra vào).
Cách bày biện bàn thờ
Trước hết, ban thờ nên có độ cao tỷ lệ với người trong gia đình, tránh làm quá cao (phải leo trèo thiếu an toàn) hoặc quá thấp (dễ bị va chạm và thiếu tôn nghiêm). Trường hợp có nhiều tầng thờ thì xếp đặt theo thứ tự từ cao xuống thấp theo ngôi thứ. Tủ thờ thường có phần dưới và bên hông là tủ chứa đồ (gia phả, lịch giỗ kỵ, vàng mã hương đèn…). Nếu bệ thờ làm theo kiểu tấm đan bê tông thì cũng nên kê một tủ nhỏ hay bàn vào khoảng trống bên dưới để thuận tiện sắp xếp vật dụng vào dịp có giỗ tết.
Bài trí bàn thờ phải nghiêm trang nhưng không u tịch, bởi vì nhà ở gia đình (tính chất Dương) không bao giờ là một ngôi chùa hay đền – miếu – phủ – am (thiên về tính Âm, là “vãng sinh đường” cho khách thập phương).
Theo các chuyên gia Phong thủy, kích thước bàn thờ nên theo những kích thước đẹp trên thước Lỗ Ban (cả phần kích thước dương trạch và âm trạch) thì đã đạt yêu cầu. Tránh làm bàn thờ theo lối trang trí loè loẹt, cầu kỳ không phù hợp với thiết kế kiến trúc hiện đại của ngôi nhà. Về màu sắc, không gian thờ cúng phải thể hiện được sự tôn nghiêm với những màu thâm trầm làm chủ đạo như nâu, vàng kem, màu gỗ và màu của những bức sơn mài, hoành phi câu đối, sơn son thiếp vàng…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét