Từ xưa, những lăng mộ của hoàng đế phong kiến Trung Hoa hoành tráng nổi tiếng (như lăng mộ Tần Thủy Hoàng) hay các lăng mộ bề thế của vua chúa Việt Nam chắc chắn phải được các thầy phong thủy cực siêu chọn lọc kỹ càng, thế nhưng kết cục các triều đại phong kiến cũng bị xóa sổ?
Chỉ xoay quanh mấy vấn đề chủ yếu trong đời sống con người là gia đình-sự nghiệp-tiền tài-sức khỏe-con cái mà thiên hạ vẫn đặt niềm tin và kỳ vọng vào phong thủy. Tất nhiên, cũng nhờ thế mà nghề phong thủy vẫn tồn tại và có vẻ phát vượng, mặc dù đậm màu mê tín dị đoan và huyền bí hơn.
Các thầy phong thủy địa lý vẫn đề cao phương châm: Ba năm tầm long, mười năm điểm huyệt. Long mạch, hiểu theo khoa học hiện nay bao gồm mạch đất, mạch nước, mạch khí và các tạp chất khoáng, quặng, hóa thạch, cát, bùn (nên thông thường long mạch tồn tại ở các thể rắn, lỏng, khí). Tổ hợp khí và tia đất tốt thì cuộc sống trên mảnh đất đó yên ổn, khỏe mạnh, còn nếu tổ hợp đó chứa những chất phóng xạ, nước nhiễm độc thì tất nhiên bệnh tật triền miên (thực tế có những làng ung thư, làng bệnh lạ). Huyệt vị, hiểu theo cách mới cũng là một mảnh đất, vùng đất có từ trường đặc biệt nếu tốt thì rất tốt cho con người sinh sống trên đó, còn nếu xấu thì rất xấu (ví dụ những vùng đất cằn cỗi không cây cỏ nào mọc được, la bàn cũng không hoạt động được và có vùng bị sét đánh thường xuyên). Vì thế, hiển nhiên long-huyệt chủ yếu tác động, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống hàng ngày của con người, còn những vấn đề khác như đất phát, thành danh, cự phú, hưởng phúc đời đời… chỉ là hiệu ứng tâm lý dân gian được đồn thổi mà thôi, không có cơ sở khẳng định. Ví dụ nếu ai đó muốn làm Tổng thống, Thủ tướng, Bộ trưởng, tỷ phú, đại doanh gia thì thầy phong thủy dù có cao tay cỡ nào cũng không thể giúp họ thành công bằng cách tầm long-điểm huyệt được và thực tế không có thầy nào dám chắc chắn mình sẽ biến được những ước muốn đó thành hiện thực (tất nhiên trừ những thầy tâm thần phân liệt, tẩu hỏa nhập ma như có thầy đã tự PR mình có khả năng phát khí công làm tan mây mưa!).
Vậy nên, muốn áp dụng kiến thức phong thủy vào cuộc sống hàng ngày, chúng ta cần có hiểu biết khoa học, biện chứng và thực tế, nếu không chỉ luôn luôn chơi ú tim, đuổi hình bắt bóng mông lung với cái gọi là địa lý phong thủy. Một số vấn đề cụ thể về phong thủy nhà ở theo khoa học hiện đại là:
1. Chọn đất làm nhà
- Yếu tố chủ quan về khả năng kinh tế, yêu cầu sở thích, mục đích sử dụng, quyền được sử dụng nhà, đất theo pháp lý hiện hành.
- Địa chất (tính chất vật lý, hóa lý và cơ học của các tầng đất để xây móng nhà).
- Môi trường (gió xoáy, lở đất, nước thải, ô nhiễm không khí, rác thải, phóng xạ).
- Nguồn nước sinh hoạt (chất lượng nước ngầm, khoáng chất, hóa chất độc hại).
- Tia đất (sóng, nhiệt, bức xạ của những vật chất khác nhau, phát từ dưới mặt đất, đặc biệt là kim loại nặng và xương cốt).
2. Thiết kế, kiến trúc xây dựng nhà
- Đảm bảo độ bền vững, thậm chí có thể chịu được những xung chấn động đất.
- Hình thức hài hòa, có những đặc thù riêng gắn với sở thích, ý tưởng gia chủ.
- Không gian thoáng đãng và khoa học, đủ gió và ánh sáng, chống ẩm thấp.
3. Phương pháp sử dụng và điều chỉnh nhà ở cho phù hợp
Đây là vấn đề tưởng chừng đơn giản, nhưng thực ra phức tạp nhất. Ai cũng nghĩ rằng tiền của mình, nhà của mình, mình muốn làm gì thì làm nên nhiều khi suy nghĩ nhầm lẫn, gây hậu quả nghiêm trọng:
- Với trường hợp những gia chủ tiềm lực kinh tế dồi dào, nhưng tiến hành bước thứ nhất không tốt, gia chủ chọn được một mảnh đất có tia đất xấu, xây nhà để ở. Sau đó, khi có điều kiện lại mua tiếp một ngôi nhà khác có tia đất tốt nhưng lại cho thuê kiếm tiền. Và tất nhiên, số tiền thu được từ ngôi nhà cho thuê không thể đủ dùng chữa bệnh cho bản thân và gia đình. Vậy câu hỏi đặt ra là, tại sao không chọn ở ngôi nhà tốt để dùng, còn ngôi nhà xấu để kinh doanh?
- Với những người không có điều kiện kinh tế dư dả, tích cóp vốn liếng cả đời, vay mượn thêm mới mua được mảnh đất hay ngôi nhà cấp 4, rồi sửa sang, xây dựng để ở, nhưng vì không có kiến thức chọn đất khoa học nên cũng mua phải một mảnh đất hay ngôi nhà có tia đất xấu (tia đất tốt thì may mắn quá), gây ra ốm đau bệnh tật liên miên, thế là đi tìm thầy phong thủy, nghe theo lời khuyên đem bùa chú về dán khắp nơi và rước thầy về cúng ma tà giải hạn… Một thầy chứ thậm chí cả mớ thầy phong thủy rởm cũng không có cách gì chống lại được tia đất vô hình và mạnh mẽ liên tục phát lên từ dưới lòng đất, huống chi vài lá bùa giấy sao ngăn được tia đất, khác gì đem mành chuông ra cản gió lốc?
Nguyên nhân tạo ra đất xấu - đất tốt theo phân tích của khoa học là rất rõ ràng, đó là bởi tia đất gồm các tia xạ độc hại như radon, anpha, beta, gamma… tác động lên bề mặt theo đủ dạng lưới, xiên chéo, dàn trải, vuông góc với cường độ mạnh mẽ và đều đặn. Phần lớn mọi người lại không để ý và không thích phiền hà làm theo những bước chọn đất, nhà an toàn, khoa học mà chỉ hăm hở mua theo cảm tính tiêu dùng hoặc thương mại và khi kết quả không tốt xảy đến lại chọn các thầy cúng mê tín dị đoan? Trong năm yếu tố chọn nhà đất đã nêu, đúng ra chỉ có yếu tố tiềm lực kinh tế là khó giải quyết nhất, còn những yếu tố còn lại đều có thể xác định được bằng các máy móc kỹ thuật chuyên dụng tiên tiến. Trong khoa học phong thủy hiện đại còn nảy sinh thêm một vấn đề nóng hổi mà phong thủy cổ đại không thể nghĩ ra được. Đó là vì sự phát triển nhanh chóng của xã hội hiện nay, dân số tăng đến chóng mặt, nên đa phần ở các thành phố lớn, người ta xây nhà chung cư cao tầng (từ vài chục, thậm chí cả trăm tầng cao vút) và với chiều cao như vậy không tránh khỏi ảnh hưởng lớn hơn của tia vũ trụ (tia vũ trụ hay còn gọi là năng lượng vũ trụ gồm các loại gió mặt trời, tia cực tím, bức xạ hồng ngoại, bức xạ điện từ, bão từ… đến từ không gian bao quanh trái đất. Ví dụ, nếu như những ngôi nhà bình thường chỉ chịu tác động 7 phần tia đất và 3 phần tia vũ trụ thì ngược lại, các ngôi nhà cao tầng hơn lại phải chịu đến 7 phần tia vũ trụ và 3 phần tia đất. Trong cả hai loại tia đó đều có đủ xấu và tốt nên tác hại sẽ hiện ra rõ dần sau một khoảng thời gian trực tiếp chịu ảnh hưởng tại nơi ở đó. Tùy theo kết cấu của địa hình xây dựng và thiết kế kiến trúc của các tòa nhà, mức độ chịu ảnh hưởng của hai loại tia đối với từng tầng, mỗi phòng cũng khác nhau, vì thế cũng cần phải sử dụng các phương tiện kỹ thuật để đo đạc, tính toán cho phù hợp với đời sống.
Đã nói đến phong thủy của dương trạch (nhà ở) thì không thể bỏ qua phong thủy của âm trạch (mộ phần). Người xưa có suy nghĩ phải chọn đất tốt làm thủ tục địa táng cho người đã chết để phù hộ cho con cháu sau này đời đời hưởng phúc lộc. Người nay cũng đua nhau xây mộ to đẹp, chọn đất, mua đất, xem ra cái suy nghĩ ấy không có cơ sở vì đúng ra, theo quan niệm nhân văn uống nước nhớ nguồn của người Á Đông thì mồ yên mả đẹp là để tỏ lòng hiếu kính đạo nghĩa theo lễ nghi truyền thống, chứ không phải trông cậy, nhờ vả gì những người đã mất. Giờ đây, nhiều nơi người ta làm thủ tục hỏa táng xong thì chỉ còn mỗi bình tro tàn, dù có chôn vào đất tốt thế nào cũng không thể giúp người trần thế vì cốt đã thành cát bụi, còn vong chỉ là một ảo ảnh vĩnh hằng, không đủ sức làm quân sư, trợ lý, thư ký cho người đang sống được. Từ xưa, những lăng mộ của hoàng đế phong kiến Trung Hoa hoành tráng nổi tiếng (như lăng mộ Tần Thủy Hoàng) hay các lăng mộ bề thế của vua chúa Việt Nam chắc chắn phải được các thầy phong thủy cực siêu chọn lọc kỹ càng, thế nhưng kết cục các triều đại phong kiến cũng bị xóa sổ? Thế mới biết, đối với quy luật tuần hoàn của tự nhiên, không có gì trở thành vĩnh cửu được!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét